Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đã làm thì phải làm thật chắc tay

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 15:31 | 05/12/2023 Lượt xem: 449

Cổng TTĐT Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý I/2023 với các đối tượng quản lý.

20230409bt2.png

Năm 2023 là năm nâng cao chất lượng làm thể chế. Bộ TT&TT phải sửa nhiều luật, nghị định. Cái gì mới đưa vào là phải đúng xu thế, phù hợp bối cảnh Việt Nam, khả thi, tạo ra sự phát triển, tạo ra sự quản lý tốt hơn. Cái gì đưa vào mà không khả thi thì hoặc cản trở phát triển, hoặc không quản lý được thì nhờn pháp luật, hoặc mâu thuẫn thì gây ra lộn xộn. Đã làm thì phải làm thật chắc tay. Mà phải là người đứng đầu trực tiếp tham gia làm thể chế. Nhân viên thì cả đời có khi chưa bao giờ làm luật, nay bị giao làm luật, đây cũng là bất cập. Các doanh nghiệp, các hiệp hội, các hội lập nhóm nghiên cứu để tham góp ý, đề xuất các vấn đề về thể chế với Bộ. Đặc biệt chú ý việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, luật của các quốc gia khác, xem họ xử lý các vấn đề mới thế nào. Nguyên tắc làm thể chế của Bộ là khi còn các ý kiến khác nhau giữa ban soạn thảo và các đối tượng liên quan là Bộ trưởng sẽ trực tiếp nghe các bên. Nhiều nước mỗi lần sửa luật thì sửa một điều, thường là vấn đề đã chín, có thể làm vừa nhanh vừa chất lượng. Chúng ta mỗi lần sửa là sửa nhiều điều, bởi vậy mà phải làm rất và rất kỹ, qua nhiều vòng.

Năm 2023 là năm chất lượng, bền vững của hạ tầng số. Hạ tầng của nền kinh tế số, của nền kinh tế nói chung thì không thể kém ổn định, thiếu bền vững như vừa qua bộc lộ. Cáp quang biển, chất lượng di động, cắt cáp lẫn nhau của các doanh nghiệp, rồi chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tất cả đều bộc lộ vấn đề chất lượng. Quản lý nhà nước, tại cả trung ương và địa phương, và các doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm về chất lượng và bền vững của hạ tầng số quốc gia.

Năm 2023, chúng ta chính thức hoá hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số như AI, Blockchain, Big Data, Phân tích dữ liệu, … Sẽ là năm thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, cung cấp công nghệ như dịch vụ.

Năm 2023 cũng là năm xử lý triệt để Sim rác. Chúng ta đã làm xong bước một là mọi thuê bao đều phải có đủ thông tin. Đang làm bước hai là thông tin phải đúng, 31/3 là hạn cuối cùng để các nhà mạng cắt các Sim mà không được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xong bước này thì vào bước cuối cùng là xác minh Sim chính chủ, tức là đăng ký đúng người. Phải xong bước này thì hành vi dùng Sim rác để lừa đảo mới được giải quyết cơ bản. Công việc sẽ vất vả nhưng phải làm để bảo vệ người dân. Nhưng các doanh viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi là số thuê bao chính chủ sẽ dùng được vào việc định danh nhiều giao dịch điện tử, tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển.

Năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia. Bộ TT&TT sẽ làm rõ nội hàm, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ, cho các bộ ngành và địa phương. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, trong đó có nội dung năm dữ liệu. Các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành, các hiệp hội cũng phải chú trọng việc xử lý, phân tích dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Tạo ra giá trị từ dữ liệu, tạo ra tăng trưởng, tạo ra sự phát triển từ dữ liệu là nội dung chính của CĐS. Dữ liệu là đầu vào mới của sản xuất, là yếu tố của sản xuất, giống như đất đai vậy.

Năm 2023 là năm thực thi các chiến lược đã ký. Bộ TT&TT lập chương trình hành động toàn quốc, hướng dẫn các bộ ngành và địa phương lập chương trình hành động thực thi chiến lược. Đưa quản lý thực thi chiến lược vào thực tế, đo lường và công bố các số liệu về thực thi chiến lược là một bước tiến trong quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành, các hiệp hội hãy bám sát vào các chiến lược của ngành để hành động.

Từ năm 2023, Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công (kể cả chất lượng cải cách hành chính trên môi trường số) của các bộ ngành, địa phương. Chuyển từ có sang có một cách chất lượng. Đầu tiên, Bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn chất lượng cổng dịch vụ công. Năm 2023 là năm Bộ đứng ra đảm bảo chất lượng toàn trình của liên thông dữ liệu, đảm bảo chất lượng các dịch vụ công liên hệ thống, liên bộ, ngành, liên địa phương. Hiện nay, một số dịch vụ công khi phải liên thông với các hệ thống CNTT của bộ ngành, địa phương khác thì suy giảm chất lượng hoặc không thực hiện được. Các doanh nghiệp đã có hợp tác với các bộ ngành và địa phương thì chú ý nâng cấp các hệ thống CNTT của các bộ ngành và địa phương, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu và chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

Năm 2023 là năm tạo ra thay đổi căn bản để đánh giá của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) về Chính phủ điện tử/Chính phủ số Việt Nam được chính xác, thông qua việc cung cấp đủ thông tin cho tổ chức đánh giá, cải thiện các thành phần đang có điểm thấp, để thứ hạng Việt Nam công bố vào năm 2024 sẽ tăng ít nhất 10 hạng, từ 86 xuống dưới 75. Cục Chuyển đổi số Quốc gia của Bộ phải là đầu mối cầm nhịp và đôn đốc việc này.

Năm 2023 là năm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trợ lý ảo, đạt mức chuyên gia, cho các lĩnh vực, các doanh nghiệp, các tổ chức. Năm 2023 là năm vận hành các hệ thống giám sát online. Muốn không có tai nạn lớn, cứu được người thì phải giám sát online để phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo sớm, sửa sớm. Muốn bền vững thì quan trọng ở các chữ “nhỏ”, “sớm”, “toàn diện” và “thường xuyên”. Muốn vậy thì chỉ có thể là giám sát online. Muốn Bộ bền vững thì phải làm cái này. Muốn đất nước bền vững cũng phải làm cái này. Các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp muốn phát triển bền vững cũng phải có giám sát online. Năm 2023 là năm làm mẫu về nền tảng làm việc số. Nền tảng làm việc số có nghĩa là 100% công việc của nhân viên ở trên môi trường số, không vào là không làm việc được. Nền tảng làm việc số là sự tập trung tri thức của tổ chức. Ngồi trên nền tảng làm việc số là một nhân viên bất kỳ đã có thể đạt điểm 7/10.

Năm 2023 là năm dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ Việt Nam nhưng tạo ra giá trị lớn. Các công ty công nghệ lớn thì đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, các nhu cầu phổ quát, họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Thí dụ như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người, và vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hoá, và phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ.

20230409anhbt11.png

Năm 2023 là năm đưa doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam. Mỗi tháng, Bộ TT&TT sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện xúc tiến, hỗ trợ ra nước ngoài. Các doanh nghiệp gặp khó khăn thì hãy liên hệ với Bộ thông qua Vụ Hợp tác Quốc tế.

Năm 2023 là năm đưa báo chí, xuất bản lên các nền tảng số. Là năm biến các cơ quan báo chí, nhà xuất bản thành các nền tảng số. Báo chí, xuất bản phải đa nền tảng, tức là đa hình tướng để thâm nhập nhiều đối tượng khán giả. Nếu chỉ là báo điện tử thì chỉ một loại đối tượng. Nếu lên Zalo là thêm đối tượng độc giả. Một quyển sách nếu có một phiên bản 160 ký tự để nhắn tin qua di động thì sẽ tiếp cận được tới hàng chục triệu người.

Năm 2023 là năm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về truyền thông. Truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, không như trước đây coi truyền thông là việc của báo chí. Báo chí chỉ là một trong các phương tiện truyền thông. Bởi vậy, các bộ ngành, các địa phương phải có bộ máy chuyên trách, bố trí ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng các cơ quan báo chí.

Năm 2023 là năm tập trung lành mạnh hoá báo chí, đây là bước phát triển báo chí sau giai đoạn sắp xếp. Những báo đài, tạp chí, trang tin tổng hợp sai phạm nghiêm trọng là phải xử lý nghiêm, sau đó là giám sát, nhắc nhở thường xuyên. Năm 2023 cũng là năm nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.

Năm 2023 cũng là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào đúng qui định của pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này kiếm nhiều tiền nhưng vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội. Muốn phát triển bền vững thì càng to, càng lớn, càng quan trọng thì càng phải thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đi kèm phải càng lớn.

Năm 2023 cũng là năm nhấn mạnh lại nội hàm của khẩu hiệu hành động Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá. Làm gương là thái độ mẫu mực của lãnh đạo các cấp. Kỷ cương là việc làm đúng, làm đủ trách nhiệm của người thực thi. Trọng tâm là tìm được cái chính để tạo ra sự phát triển của lĩnh vực mình phụ trách. Bứt phá là tìm ra cách làm khả thi cho những việc không khả thi, tạo ra sự phát triển đột phá.

Năm 2023, chúng ta, từ trung ương đến các địa phương, từ quản nhà nước đến doanh nghiệp, đến các đơn vị sự nghiệp, hãy quan tâm lãnh đạo, thực thi đủ và đều các lĩnh vực của Ngành Thông tin và Truyền thông: 1- Bưu chính; 2- Viễn thông; 3- Chuyển đổi số quốc gia; 4- Chính phủ số; 5- Kinh tế số và xã hội số; 6- An toàn thông tin; 7- Công nghiệp công nghệ số; 8- Báo chí, truyền thông; 9- Xuất bản; 10- Nhân lực số.

Chúc cho năm 2023 rất khó khăn này, chúng ta sẽ tìm ra hướng phát triển mới!

Gặp khó khăn gì, tất cả chúng ta hãy tìm về Bộ TT&TT, coi đây là ngôi nhà, là chỗ dựa, nhất là trong lúc khó khăn này.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: